Chắc hẳn các bạn cũng hiểu, muốn mua Bảo hiểm nhân thọ bạn sẽ phải đóng phí hàng năm, định kỳ đều đặn theo thời hạn nhất định đã thỏa thuận trong hợp đồng Bảo hiểm. Vậy hẳn bạn cũng thắc mắc: Công ty dùng tiền đầu tư đi đâu? Cách đầu tư này có những rủi ro gì? Liệu tiền của khách hàng có bị mất trắng không? Có cơ quan thẩm quyền nào giám sát và quản lý việc đầu tư này không?…
Các công ty Bảo hiểm nhân thọ thường luôn phải thực hiện kinh doanh có lãi và an toàn tài chính để đảm bảo nguồn vốn nhận được không bị lãng phí. Họ sẽ thực hiện chia nhỏ và kiểm soát, đầu tư nguồn vốn này phổ biến là:
1. Quỹ rủi ro
Quỹ rủi ro dùng để chi trả tiền cho người tham gia nếu gặp rủi ro. Đây là bộ phận quan trọng nhất của phần bảo vệ khách hàng. Với phương châm là tập hợp tiền phí của đa số khách hàng để bảo vệ cho thiểu số khách hàng gặp rủi ro, điều này đảm bảo công ty luôn có sẵn nguồn tiền mặt để có thể đáp ứng nhu cầu chi trả Bảo hiểm khi khách hàng gặp sự cố bất ngờ.
2. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Theo Luật kinh doanh Bảo hiểm, các công ty phải đóng quỹ “Quỹ bảo vệ người được Bảo hiểm”, là quỹ được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người được Bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp Bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán hay phá sản. Quỹ này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát công ty Bảo hiểm nhân thọ và đảm bảo hoàn lại phí đã nộp cho khách hàng trong trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam quy định, công ty Bảo hiểm nhân thọ trong trường hợp phá sản phải chuyển giao hợp đồng Bảo hiểm cho các công ty Bảo hiểm nhân thọ khác tiếp quản và giữ nguyên quyền lơi Bảo hiểm của khách hàng, nên về lý thuyết thì khả năng hợp đồng của bạn vô hiệu là không có, điều này để giúp khách hàng yên tâm trong việc mua bảo hiểm với kế hoạch tài chính ổn định trong tương lai.
Trích Luật bảo hiểm: Điều 4: Mức trích nộp Quỹ
“Số tiền trích nộp Quỹ tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí Bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề của doanh nghiệp Bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Mức trích nộp Quỹ cụ thể do Bộ Tài chính công bố bằng văn bản trước ngày 30 tháng 4 hàng năm.”
3. Một phần nhỏ để chi trả các chi phí cố định cho công ty bảo hiểm
Các chi phí cố định này dùng để vận hành, quản lý hợp đồng và phục vụ khách hàng như: chi phí quản lý hợp đồng, chi phí in ấn, chi phí hành chính nghiệp vụ… để đảm bảo hoạt động tư vấn và phục vụ khách hàng thường xuyên và liên tục. Các chi phí này thường không đáng kể và được xác định theo năm dương lịch tại thời điểm khấu trừ.
4. Phần phí còn lại được mang đi đầu tư
Nguyên tắc chung về hoạt động đầu tư của DNBH được thể hiện trong luật kinh doanh Bảo Hiểm cụ thể như sau:
Điều 98. Đầu tư vốn.
1. Việc đầu tư vốn của doanh nghiệp Bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng Bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực sau đây:
A) Mua trái phiếu Chính phủ;
B) Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp;
C) Kinh doanh bất động sản;
D) Góp vốn vào các doanh nghiệp khác;
Đ) Cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;
E) Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
3. Chính phủ quy định cụ thể danh mục đầu tư thuộc các lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều này và tỷ lệ vốn nhàn rỗi được phép đầu tư vào mỗi danh mục đầu tư nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp Bảo hiểm luôn duy trì được khả năng thanh toán.
(Theo Điều 98, Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10)
Nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản đối với doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người mua Bảo Hiểm, pháp luật hiện hành yêu cầu bất kỳ khoản đầu tư ra nước ngoài nào của DNBH phải được cơ quan quản lý (Bộ Tài Chính) chấp nhận bằng văn bản.
Đồng thời nhằm đảm bảo mục tiêu thanh khoản trên, pháp luật hiện hành hạn chế các khoản đầu tư vào các tài sản mang tính thanh khoản thấp và rủi ro cao như là bất động sản và mua cổ phiếu; và ưu tiên đầu tư vào các tài sản rủi ro thấp hoặc có lợi suất ổn định như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh hoặc tiền gửi ngân hàng.
Với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ khách hàng trước rủi ro, bảo vệ phí bảo hiểm của khách hàng, gia tăng lợi ích cho khách hàng lớn nhất, các công ty Bảo hiểm nhân thọ luôn đặt khách hàng làm trọng tâm và thực hiện thận trọng mọi hoạt động tài chính.
Hằng Dai-ichi