Menu Đóng

Bảo hiểm nhân thọ, chỉ tham gia khi thực sự hiểu

Khi hiểu rõ về BHNT, chúng ta có quyền lựa chọn mua hoặc không mua rõ ràng, chứ không phải ký hợp đồng vì nể nang 1 ai đó. Và sẽ mua với một tâm thế đầy tự tin và quyết đoán không phải phân vân lo lắng hoặc bị tác động ngăn cản của những người xung quanh.

Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về điều này, tôi sẽ giải thích qua 2 luận điểm chính sau:

Sự thật, nhiều người đã hiểu sai về bảo hiểm

  • Ai cũng nghĩ bảo hiểm nhân thọ là gửi tiết kiệm – lỗi này phần lớn là do các đại lý tư vấn thiếu kiến thức và kinh nghiệm đã không giúp khách hàng hiểu rõ vấn đề.
  • Nếu là GỬI TIẾT KIỆM, nghĩa là hôm nay tôi thích thì tôi gửi tiền vào, ngày mai không thích tôi sẽ rút tiền ra.
  • Nếu rút không được, hoặc rút về không đủ. Tôi sẽ nói Bảo hiểm nhân thọ lừa đảo???
  • Nhưng Bảo hiểm nhân thọ không phải là gửi tiết kiệm, lại càng không phải 1 kênh đầu tư sinh lời cao. Bảo hiểm nhân thọ là câu chuyện nghiêm túc về sự đền bù.
  • Đó là giá trị đền bù lên đến hàng tỷ đồng khi người tham gia mới đóng phí được 10-20 triệu.

Nếu nói gửi tiền vào Bảo hiểm cũng là 1 cách tiết kiệm để không tiêu tiền đi, thì nói chính xác hơn phải là TIẾT KIỆM CÓ TÍNH KỶ LUẬT. Không phải thích gửi là gửi. Thích rút là rút. Gửi hay rút phải có kỷ luật, theo thời hạn đã thống nhất với công ty bảo hiểm.

Tại sao gửi tiền vào bảo hiểm, vài năm rút về lại không đủ?

Sau khi khách hàng nộp hồ sơ yêu cầu Bảo hiểm và đóng kỳ phí Bảo hiểm đầu tiên, nếu được công ty chấp thuận Bảo hiểm, hợp đồng Bảo hiểm của khách hàng sẽ được phát hành. Khi đó, khách hàng có thời gian cân nhắc là 21 ngày kể từ ngày phát hành hợp đồng. Trong thời hạn 21 ngày này, nếu khách hàng không muốn tiếp tục tham gia Bảo hiểm thì có quyền nhận lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí xét nghiệm y khoa và các chi phí khác, nếu có. Tuy 21 ngày là thời gian “cân nhắc” nhưng nếu xảy ra sự kiện Bảo hiểm, công ty bảo hiểm vẫn phải bồi thường cho khách hàng theo đúng điều khoản hợp đồng. Sau thời gian cân nhắc 21 ngày, nếu khách hàng buộc phải hủy ngang hợp đồng Bảo hiểm trước khi đáo hạn, thì sẽ được nhận “giá trị hoàn lại” (GTHL) của hợp đồng.
GTHL là khoản tiền mặt mà khách hàng có thể nhận lại được khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trong thời gian ban đầu của hợp đồng, chi phí để công ty phát hành hợp đồng bao gồm chi phí kiểm tra y tế, hoa hồng cho đại lý, chi phí in ấn hợp đồng…, cùng với chi phí quản lý hợp đồng và đóng góp vào quỹ dự phòng rủi ro là rất cao, trong khi số phí Bảo hiểm mà khách hàng đóng vào chưa đáng kể. Điều đó có nghĩa là chi phí thực tế để duy trì hợp đồng trong những năm đầu thường cao hơn nhiều so với số phí thu được từ hợp đồng đó. Vì vậy, trong thời gian hai năm đầu hợp đồng chưa có GTHL (hay GTHL bằng 0). Do đó, nếu khách hàng thanh lý hợp đồng trong 2 năm đầu tiên đồng nghĩa với việc không nhận lại được khoản tiền đã đóng vào. Việc hủy hợp đồng trong những năm đầu không chỉ bất lợi cho chính bản thân khách hàng, mà công ty Bảo hiểm cũng phải chịu thiệt thòi vì chưa thu hồi được chi phí đã bỏ ra.

GTHL chỉ hình thành sau hai năm khách hàng đóng phí đầy đủ và sẽ tăng dần theo thời gian hiệu lực hợp đồng, vì các chi phí ban đầu cho một hợp đồng sẽ có xu hướng giảm dần ở các năm kế tiếp. Liên tục trong các năm, giá trị hoàn lại sẽ lớn dần lên nhờ việc chia lãi đầu tư để đạt được Điểm Hòa Vốn – là khi chúng ta hủy hợp đồng và sẽ nhận về toàn bộ số tiền đã gửi vào cty trong suốt các năm qua. Điểm hòa vốn có thể là năm thứ 10, năm thứ 12, năm thứ 15 tùy thuộc vào sản phẩm Bảo hiểm bạn đang tham gia. (để biết được DNBH đầu tư vào đâu để chia lãi cho khách hàng và phí Bảo Hiểm khách hàng đóng vào được dùng vào những khoản gì mời bạn tìm hiểu qua bài viết “Doanh nghiệp Bảo Hiểm làm gì với phí đóng của khách hàng”)
Hủy hợp đồng trước Điểm Hòa Vốn, bạn sẽ lấy lại giá trị hoàn lại < Tổng tiền đã gửi vào bảo hiểm.
Hủy hợp đồng sau Điểm Hòa Vốn, bạn sẽ lấy lại giá trị hoàn lại = Tổng tiền đã gửi vào bảo hiểm + Lãi suất/Bảo tức.

Vì vậy, khách hàng duy trì hợp đồng càng lâu GTHL càng cao, tối thiểu phải chờ tới Điểm Hòa Vốn hoặc có sinh lời thì chúng ta mới nên hủy hợp đồng để rút tiền về.

Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và giảm rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm, khách hàng trước khi mua Bảo hiểm cần cân nhắc kỹ nhu cầu của mình, khả năng đóng phí, vì Bảo hiểm đòi hỏi sự cam kết lâu dài, ổn định. Trong mọi trường hợp, hủy hợp đồng Bảo hiểm giữa chừng sẽ gây thiệt hại tài chính cho chính khách hàng và cho cả công ty Bảo hiểm. Nếu vì lý do bất khả kháng, khách hàng vẫn có nhiều lựa chọn để giữ hợp đồng tiếp tục hiệu lực nhằm duy trì quyền lợi Bảo hiểm. Ví dụ như điều chỉnh giảm mệnh giá hợp đồng, hoặc tạm hoãn hợp đồng trong một thời hạn nhất định… Khách hàng nên tìm hiểu kỹ các thông tin này với công ty Bảo hiểm trước khi có quyết định ngừng giữa chừng hợp đồng Bảo hiểm của mình.

Tổng kết

Bảo hiểm nhân thọ không phải gửi tiết kiệm: Nếu bạn có ý định tích lũy 1 khoản để đầu tư tương lai học vấn con trẻ hoặc về già chi tiêu, thì bạn có thể tham gia Bảo hiểm nhân thọ, tiết kiệm kỷ luật, dài hạn và được hưởng lãi suất kép. Ngược lại, bạn chỉ có ý định gửi tiền vài năm thì rút thì tôi KHUYÊN CHÂN THÀNH: bạn nên chọn các hình thức tiết kiệm khác – đừng chọn Bảo hiểm Nhân thọ.

Bảo hiểm nhân thọ là câu chuyện đền bù: Nếu đặt lên bàn cân, công ty Bảo hiểm có trách nhiệm & rủi ro lớn hơn bạn. Bạn mua Bảo hiểm vì GIÁ TRỊ BẢO VỆ VÀ ĐỂ AN TÂM – càng lâu càng tốt!

Bảo hiểm nhân thọ là câu chuyện hạnh phúc: Cho dù xui xẻo (phải nhận tiền đền bù) hay khỏe mạnh (có nhiều tiền khi về già) thì bạn đều HẠNH PHÚC – vì đã luôn làm tròn trách nhiệm của bản thân với gia đình thân yêu.

Điều quan trọng hơn hết khi tham gia Bảo hiểm đó là chọn được tư vấn có tâm và có tầm, để đảm bảo rằng khách hàng được tư vấn rõ ràng, đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia Bảo hiểm. Từ đó khách hàng sẽ an tâm hơn khi tham gia và đồng hành lâu dài của cả 3 bên: khách hàng, doanh nghiệp Bảo hiểm và nhân viên tư vấn.

Hằng Dai-ichi.